Ngày nay, thú cưng thường được xem như một thành viên quan trọng của gia đình. Chính vì thế, việc thú cưng góp mặt trong các chuyến đi của gia đình đã trở nên phổ biến. Vậy, sẽ thế nào nếu bạn đưa thú cưng cùng đi máy bay? Hãy cùng ICAGO tìm hiểu những lưu ý khi đưa thú cưng đi máy bay nhé!
Tìm hiểu quy định nhập cảnh dành cho thú cưng ở từng quốc gia
Mỗi quốc gia sẽ có những quy định riêng về việc cho phép thú cưng nhập cảnh.
Trước khi quyết định mang theo thú cưng đi máy bay, bạn cần lưu ý tìm hiểu kỹ những quy định của quốc gia mà bạn sẽ đến, đặc biệt là các chuyến bay có quá cảnh.
Qua đó, có thể đề phòng trường hợp quốc gia đích đến của bạn cho phép thú cưng được nhập cảnh, nhưng quốc gia mà bạn quá cảnh lại không cho phép.
Theo quy định, khi nhập cảnh vào Việt Nam, mỗi hành khách chỉ được phép mang theo tối đa 02 vật nuôi (Theo Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn – Điều 10).
Thủ tục nhập cảnh dành cho thú cưng tại Việt Nam
Để thú cưng được phép nhập cảnh vào Việt Nam, bạn cần chuẩn bị những loại giấy tờ sau:
– Giấy chứng nhận tiêm phòng dại
Đây là một trong các loại giấy tờ bắt buộc cần phải có nếu bạn muốn cho thú cưng nhập cảnh vào Việt Nam. Trên giấy chứng nhận tiêm phòng dại yêu cầu phải có đầy đủ các thông tin về số microchip, ngày tiêm phòng và thời hạn hiệu lực tiêm phòng.
– Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật:
Việc thực hiện xin giấy Chứng nhận kiểm dịch động vật dành cho thú cưng của bạn phải được thực hiện trước khi bay 7 ngày.
Sau khi hoàn thành quá trình kiểm tra sức khỏe cho thú cưng, cơ quan có thẩm quyền ở nước sở tại sẽ đóng dấu xác nhận trên giấy chứng nhận kiểm dịch khổ A4. Kèm theo đó, bạn cũng sẽ nhận được sổ theo dõi tình trạng sức khỏe của thú cưng.
(*** Xem thêm quy định kiểm dịch dành cho thú cưng khi nhập cảnh Việt Nam: http://raho6.gov.vn/wp-content/uploads/Documents/2016/25-2016-TT-BNNPTNT.pdf)
Chuẩn bị giấy tờ đi máy bay cho thú cưng
Bạn cần chuẩn bị những loại giấy tờ sau để đảm bảo thú cưng của bạn đủ điều kiện lên máy bay:
– Giấy Chứng nhận Kiểm Dịch Động Vật.
– Sổ sức khỏe thú cưng: Bác sĩ thú y kiểm tra sức khỏe cho thú cưng của bạn cần ký và ghi rõ họ tên, ngày tiêm trong sổ sức khỏe. Theo quy định, để được đi máy bay, chó mèo phải trên 10 tuần tuổi, được tiêm chủng bệnh dại trước 30 ngày. Đồng thời, giấy chứng nhận tiêm phòng dại phải còn hiệu lực dưới 12 tháng cho tới ngày thú cưng được xuất cảnh.
– Giấy tờ cá nhân: Bạn sẽ cần photo công chứng 01 bản sao trang đầu Passport (Hộ chiếu) của mình để đính kèm với hồ sơ của thú cưng.
Chọn lồng cho thú cưng đi máy bay
IATA – Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế quy định về việc chọn lồng/cũi vận chuyển thú cưng đi máy bay như sau:
– Lồng/cũi được chọn cần có chất liệu bền chắc. Thông thường, lồng/cũi được làm từ nhựa cứng được sử dụng phổ biến nhất.
– Các mặt bên của lồng cần đảm bảo thông gió tốt để vật nuôi dễ dàng hô hấp.
– Nếu chọn lồng/cũi có bánh xe, tất cả bánh xe cần được tháo ra hoặc cố định để đảm bảo lồng không bị xê dịch khi ở trong khoang hành lý.
– Kích cỡ của lồng/cũi phải đảm bảo theo quy định sao cho thú cưng có thể thoải mái xoay trở cơ thể một cách tự do.
– Đáy lồng cần được trang bị tấm trải để tránh chất lỏng và chất thải tràn ra ngoài.(*** Tham khảo thêm quy định chọn lồng cho thú cưng của IATA tại: https://www.iata.org/en/programs/cargo/live-animals/pets/).
Quy trình đưa thú cưng qua trạm kiểm soát an ninh
– Thú cưng phải ở trong lồng/cũi xách tay khi được đưa đến trạm kiểm soát an ninh.
– Trước khi bắt đầu quá trình kiểm tra an ninh, bạn cần đưa thú cưng ra khỏi lồng/cũi.
– Đặt lồng/cũi trống lên băng chuyền để soi chiếu.
– Bạn không được đặt thú cưng lên băng chuyền. Máy chụp X-quang tại điểm kiểm tra an ninh chỉ được sử dụng để soi chiếu tài sản cá nhân và hành lý xách tay của hành khách.
– Bạn cần bế thú cưng trên tay và đi qua máy dò kim loại. Bạn cũng có thể dắt thú cưng tự đi qua máy dò kim loại nhưng phải đảm bảo dây xích không gây ảnh hưởng đến cổng từ. Tốt nhất, bạn nên nghe theo hướng dẫn từ nhân viên hải quan.
– Nhân viên hải quan sẽ đưa cho bạn một thiết bị phát hiện dấu vết chất nổ để đảm bảo không có dư lượng chất nổ trên tay bạn.
– Sau khi quá trình kiểm tra hoàn tất, bạn cần đặt lại thú cưng của mình vào trong lồng/cũi tại khu vực theo quy định, cách xa trạm kiểm soát an ninh. Vị trí này giúp đảm bảo an toàn cho thú cưng cũng như những hành khách khác.
Đưa thú cưng đi máy bay cần lưu ý những gì?
Đảm bảo giống thú cưng của bạn không bị hạn chế
Việc lựa chọn hãng hàng không phù hợp để đưa thú cưng đi máy bay là một điểm vô cùng quan trọng mà bạn cần lưu ý. Bởi không phải hãng hàng không nào cũng cho phép bạn mang theo thú cưng đi máy bay.
Mỗi hãng bay cũng có những quy định riêng về cân nặng, số tuần tuổi và số lượng thú cưng được phép đi cùng bạn.
Chẳng hạn, hãng bay American Airlines chỉ cho phép khách hàng mang theo thú cưng đi máy bay đối với những hành trình bay dưới 12 tiếng.
Xem thêm: Vé máy bay từ Mỹ về Việt Nam hãng American Airlines
Hãng bay United Airlines cho phép vận chuyển thú cưng bằng máy bay riêng, không đi cùng với chủ.
Hay đối với các giống chó Pug mõm ngắn, các hãng hàng không đều từ chối vận chuyển. Lí do là vì chúng không thể đảm bảo yêu cầu về sức khỏe đường hô hấp, dù cho bạn có sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để mang chúng đi cùng trên máy bay.
Việc thú cưng sẽ được ký gửi trong khoang hành lý hay ngồi cùng bạn trong cabin cũng được quyết định bởi chính sách của hãng bay. Thông thường, đa số các hãng bay quy định hạng ghế có thể cho thú cưng ngồi cùng bạn trong cabin là ghế hạng thương gia hay khách hàng hội viên,…
Nếu bạn mua vé máy bay với ICAGO, chúng tôi sẽ hỗ trợ và tư vấn cho bạn hành trình phù hợp, để việc đi máy bay cùng thú cưng của bạn không còn là nỗi lo.
Đặt lịch hẹn với bác sĩ thú y để kiểm tra sức khỏe cho thú cưng
Bạn cần liên hệ với bác sĩ thú y để đặt lịch hẹn kiểm tra và xác nhận tình trạng sức khỏe của thú cưng có đảm bảo để đi máy bay hay không.
Đặt vé máy bay sớm
Khi đã đảm bảo thú cưng của bạn thỏa mãn những yêu cầu đi máy bay, bạn nên đặt vé càng sớm càng tốt. Bởi vì các hãng bay chỉ cho phép mang theo một số lượng vật nuôi hạn chế trên mỗi chuyến bay.
Cho thú cưng làm quen trước với lồng/cũi vận chuyển
Bạn cần cho thú cưng làm quen với lồng/cũi vận chuyển trước khi bay. Hãy tập cho thú cưng của bạn ăn uống và vui chơi, nghỉ ngơi trong lồng/cũi trước một vài tuần để đảm bảo chúng thích nghi và cảm thấy thoải mái.
Yêu cầu được lên máy bay sớm
Mang theo thú cưng sẽ khiến bạn đủ điều kiện để được lên máy bay sớm. Điều này sẽ giúp cho thú cưng của bạn sớm ổn định tâm lý cũng như giúp chúng giữ bình tĩnh trước khi khởi hành.
Sắp xếp giấy tờ quan trọng của thú cưng
Mỗi hãng bay đều đặt ra những yêu cầu riêng đối với thú cưng trong cabin và trong khoang hành lý. Bạn nên sắp xếp các giấy tờ quan trọng của thú cưng ở một nơi thuận tiện, để khi được nhân viên hãng bay yêu cầu, bạn có thể dễ dàng cung cấp.
Chuẩn bị thức ăn và nước uống cho thú cưng
Nếu thú cưng của bạn được ký gửi và phải ở trong khoang hành lý, bạn cần chuẩn bị đầy đủ thức ăn và nước uống cho chúng, nhất là đối với các chuyến bay có quá cảnh. Bởi bạn sẽ không thể trực tiếp cho thú cưng của mình ăn hay uống, kể cả khi quá cảnh.
Khi đi máy bay, thú cưng sẽ cảm thấy khá mệt mỏi. Vì thế, chúng thường sẽ không ăn thức ăn được bạn chuẩn bị sẵn mà chỉ uống nước. Bạn cần tìm hiểu và chuẩn bị bình nước chuyên dụng dành cho thú cưng khi đi máy bay.
Mang theo đồ chơi cho thú cưng
Khi đi máy bay, áp lực sẽ tích tụ trong tai thú cưng khi cất cánh và hạ cánh. Thú cưng sẽ cảm thấy khó chịu và chúng sẽ thường xuyên ngoáy tai hoặc lắc đầu. Hãy mang theo đồ chơi cho thú cưng của bạn giảm bớt sự tập trung của chúng vào sự khó chịu ở tai.
Cân nhắc về việc có thật sự cần thiết đưa thú cưng cùng đi máy bay hay không?
Thông thường, các bác sĩ thú y sẽ khuyến cáo bạn nên cân nhắc về việc cho thú cưng đi máy bay để đảm bảo sức khỏe cho chúng, nhất là đối với các chuyến bay dài như hành trình bay Mỹ – Việt Nam.
Trừ những trường hợp bắt buộc phải mang theo thú cưng như những chuyến đi dài ngày (vài tuần, vài tháng, …) hoặc chuyển nơi ở/định cư ở quốc gia/ vùng lãnh thổ khác, các bác sĩ thú y thường khuyên bạn không nên mang theo thú cưng đi máy bay.
Lời kết
Tóm lại, việc để thú cưng đi máy bay đòi hỏi quá trình chuẩn bị vô cùng phức tạp và kỹ lưỡng. Chính vì thế, trước khi quyết định đưa thú cưng theo cùng, bạn hãy cân nhắc về điều kiện sức khỏe của chúng, cũng như đảm bảo được sự thoải mái cho chúng trong suốt chặng hành trình dài nhé!