Boarding Pass ắt hẳn là cụm từ còn khá xa lạ với những người lần đầu đi máy bay. Vậy, Boarding Pass là gì? Boarding Pass chứa những thông tin nào? Hãy cùng ICAGO tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Boarding Pass là gì?
Boarding Pass hay thẻ lên máy bay là loại giấy tờ quan trọng bắt buộc phải có trên mọi chuyến bay.
Bạn sẽ nhận được Boarding Pass vật lý (thẻ giấy) sau khi hoàn tất thủ tục bay tại quầy check-in của hãng bay.
Nếu bạn check-in online, Boarding Pass sẽ được gửi qua email và bạn có thể chủ động in thành thẻ vật lý.
Tuy nhiên, đối với các chuyến bay quốc tế, hành khách sẽ mang theo hành lý ký gửi, nên khi tới sân bay vẫn phải gửi hành lý. Nhân viên sân bay sẽ phải in lại Boarding Pass cho bạn và dán kèm nhãn (tag) thông tin hành lý.
Những thông tin được in trên Boarding Pass
Mã vạch: Có hai nơi mà bạn cần scan mã vạch trên Boarding Pass là khu vực kiểm tra an ninh của sân bay và cổng lên máy bay.
Bạn nên chú ý không được để cho phần mã vạch trên Boarding Pass vật lý bị rách hoặc dính bẩn, vì như vậy máy quét sẽ không thể đọc được thông tin của bạn.
Flight: số hiệu chuyến bay.
Đây là con số quan trọng để xác định bạn đến đúng cổng tại sân bay, vì cổng có thể thay đổi thường xuyên.
Và nếu thay đổi cổng, bạn có thể tra cứu xem chuyến bay của bạn đã đổi sang cổng nào bằng cách xem bảng khởi hành nằm khắp nhà ga cũng như website hoặc ứng dụng của hãng bay.
Dựa vào số hiệu chuyến bay, người thân của bạn cũng có thể sử dụng ứng dụng Flight Radar theo dõi trực tuyến chuyến bay để chủ động đón bạn tại sân bay đến.
Boarding time: thời gian lên máy bay.
Một điểm quan trọng mà bạn cần chú ý trên Boarding Pass là dòng thông báo bạn cần có mặt tại cửa lên tàu bay trước 30 phút so với giờ bay, và cửa lên máy bay sẽ đóng trước giờ khởi hành 10 phút.
Nếu bạn đến muộn hơn so với các khung giờ quy định này, bạn có thể sẽ bị từ chối bay mặc dù trước đó đã hoàn tất các thủ tục check-in.
Date: ngày bay
Seat: số ghế
Group/Boarding Group/Boarding Zone: đây là số thứ tự nhóm để lên máy bay của bạn. Các hãng bay thường chia nhỏ quy trình lên máy bay và để hành khách lên máy bay theo nhóm. Nhóm 1 sẽ lên máy bay trước và lần lượt đến các nhóm tiếp theo.
PNR/Record Locator: mã đặt chỗ.
Passenger Name: tên hành khách.
From – to: nơi khởi hành – nơi đến.
Gate: số cổng bạn sẽ lên máy bay.
Bạn cần biết rằng cổng có thể thay đổi và tốt nhất bạn nên thường xuyên kiểm tra số cổng cho đến khi bạn đến được cổng lên máy bay. Khi bạn đến cổng, mọi thay đổi về số cổng sẽ được nhân viên thông báo (nếu có).
Tốt nhất, bạn nên đăng ký để nhận tin nhắn văn bản từ hãng bay sẽ thông báo cho bạn về bất kỳ thay đổi nào đối với chuyến bay mà bạn cần biết.
Class: hạng ghế. Thông thường, người Mỹ sẽ sử dụng chữ cái để biểu thị hạng ghế. Ví dụ, ghế hạng thương gia sẽ được biểu thị bằng chữ F hoặc A, hạng phổ thông sẽ được biểu thị bằng chữ Y hoặc Q,… Tuy nhiên, cũng có một số hãng bay thường ghi rõ hạng ghế.
Carrier: đây là tên của hãng bay, thường được thể hiện bằng tên viết tắt của hãng, ví dụ American Airlines thì viết tắt là AA.
Advantage Number: nếu bạn đăng ký thành viên của hãng bay, đây là mã số thành viên của bạn để bạn tích lũy dặm bay. Một số hãng bay sẽ hiển thị trạng thái của bạn với tư cách thành viên thay vì mã số thành viên của bạn.
Nếu bạn đăng ký TSA Pre-check (thành viên ưu tiên khi làm thủ tục kiểm tra hành lý ở Mỹ), thẻ lên máy bay của bạn cũng sẽ hiển thị biểu tượng TSA Pre-check.
Có cần phải giữ lại Boarding Pass sau khi đã lên máy bay không?
Câu trả lời là có. Nhiều người lầm tưởng rằng sau khi lên được máy bay thì không cần giữ lại Boarding Pass.
Thực tế, trong suốt chuyến bay, một vài tình huống nhân viên hãng bay sẽ yêu cầu bạn xuất trình Boarding Pass để kiểm tra.
Quan trọng hơn nữa, thẻ hành lý cũng sẽ được gắn kèm trên Boarding Pass. Nếu hành lý bị thất lạc mà bạn không còn giữ Boarding Pass thì thủ tục kiểm tra và tìm lại hành lý cho bạn sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Đặc biệt, một số hãng bay còn có chương trình ưu đãi dành cho hành khách như giảm giá tại nhiều nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi khi khách hàng sở hữu Boarding Pass của hãng bay đó.
Ví dụ: Chương trình “Magic Boarding Pass” của hãng bay Asiana Airlines cho phép hành khách trên các chuyến bay nội địa hoặc quốc tế với Asiana Airlines (không bao gồm các chuyến bay liên danh) có thể sử dụng thẻ lên máy bay của mình tận hưởng những ưu đãi tại các dịch vụ liên kết với Asiana Airlines trong vòng 07 – 30 ngày kể từ ngày lên máy bay.
Làm mất Boarding Pass thì phải làm sao?
Trường hợp chẳng may làm mất Boarding Pass, bạn hãy quay lại quầy làm thủ tục hoặc cổng khởi hành để yêu cầu in lại Boarding Pass nhé!
Lời kết
Trên đây là những thông tin về Boarding Pass mà ICAGO đã tổng hợp. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ và sử dụng thông tin trên Boarding Pass một cách hiệu quả.